Bài Giáo Lý 21 về Kinh Tin Kính của ĐTC Phanxicô

Ơn Tha Tội

 

 

Tôi không có thể được rửa tội nhiều lần, nhưng tôi có thể xưng tội và lập lại ân sủng của Bí Tích Rửa Tội. Đó giống như tôi được chịu Phép Rửa lần thứ hai.

Dưới đây là bản dịch bài Giáo Lý ĐTC Phanxicô ban hành ngày 13 tháng 11 năm 2013 trong buổi Triều Yết Chung được tổ chức tại Quảng Trường Thánh Phêrô. Hôm nay ngài tiếp tục chu kỳ Giáo Lý về kinh Tin Kính và nói về Ơn Tha Tội qua Bí Tích Rửa Tội và Hòa Giải .

November 14, 2013 by

 

Anh chị em thân mến, chào anh chị em!

Trong Kinh Tin Kính, mà qua đó chúng ta tuyên xưng đức tin mỗi Chúa Nhật, chúng ta khẳng định: Tôi tuyên xưng có một Phép Rửa để tha tội. Đây là lần duy nhất trong Kinh Tin Kính nhắc đến một Bí Tích cách tỏ tưởng. Thực sự Bí Tích Rửa Tội là “cánh cửa” của đức tin và của đời sống Kitô hữu. Chúa Giêsu đã truyền cho các môn đệ sứ mệnh này: Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu Phép Rửa thì sẽ được cứu rỗi (Mc 16:15-16). Sứ mệnh của Hội Thánh là truyền giáo và tha tội qua Bí Tích Rửa Tội. Nhưng chúng ta hãy trở lại những lời của Kinh Tin Kính. Biểu thức này có thể được chia thành ba điểm: “tuyên xưng”, “một Phép Rửa” và “để tha tội”.

1. “Tôi tuyên xưng.” Câu này có nghĩa gì? Đó là một thuật ngữ trang trọng ám chỉ tầm quan trọng lớn lao của đối tượng, là Bí Tích Rửa Tội. Thực ra, khi thốt ra những lời này, chúng ta khẳng định căn tính thực sự của mình là con cái Thiên Chúa. Bí Tích Rửa Tội, theo một nghĩa nào đó, là thẻ căn cước của Kitô hữu, là giấy khai sinh của họ. Đó là việc được sinh ra trong Hội Thánh. Tất cả anh chị em đều biết ngày mình được sinh ra và mừng sinh nhật của mình phải không? Tất cả chúng ta đều mừng sinh nhật. Tôi xin đặt ra cho anh chị em một câu hỏi, mà tôi đã hỏi nhiều lần trước đây, nhưng tôi vẫn hỏi: Ai trong anh chị em nhớ ngày Rửa Tội của mình? Hãy giơ tay lên: có rất ít (và tôi không hỏi các Giám Mục để khỏi làm cho các ngài lúng túng…). Nhưng chúng ta hãy làm một việc ngày hôm nay nhé, khi anh chị em về nhà, hãy hỏi xem ngày anh chị em được rửa tội là ngày nào, hãy tìm, bởi vì đây là ngày sinh nhật thứ nhì của anh chị em. Ngày sinh nhật thứ nhất là ngày anh chị em được sinh ra đời và ngày sinh nhật thứ nhì là ngày anh chị em được sinh ra trong Hội Thánh. Anh chị em sẽ làm điều này chứ? Đó là một công tác để làm ở nhà: tìm ngày mà tôi được sinh ra trong Hội Thánh, và cảm tạ Chúa vì cửa Hội Thánh đã mở ra cho tôi trong ngày rửa tội. Đồng thời, Bí Tích Rửa Tội được gắn liền với đức tin vào ơn tha tội. Thực ra, Bí Tích Hòa Giải hay Xưng Tội, như một “Phép Rửa thứ hai,” luôn luôn quy về Phép Rửa thứ nhất để củng cố và canh tân nó. Theo nghĩa này, ngày rửa tội của chúng ta là khởi điểm của một cuộc hành trình tươi đẹp, một cuộc hành trình với Thiên Chúa kéo dài suốt đời, một cuộc hành trình hoán cải được liên tục nâng đỡ bởi Bí Tích Hòa Giải. Hãy suy nghĩ về điều này: khi chúng ta đi xưng những yếu đuối của chúng ta, những tội lỗi của chúng ta, chúng ta xin Chúa Giêsu tha thứ, nhưng chúng ta cũng đi để lặp lại Bí Tích Rửa Tội với ơn tha thứ này. Và điều này thật tốt đẹp, nó giống như mừng ngày Rửa Tội mỗi lần đi xưng tội. Vì vậy, Xưng Tội không phải là ngồi trong một phòng tra tấn, nhưng là một lễ hội. Xưng Tội dành cho những ngưởi đã được rửa tội! Để giữ áo trắng nhân phẩm Kitô hữu của mình được sạch sẽ!

2. Yếu tố thứ nhì: một Phép Rửa” thuật ngữ này nhắc lại cách diễn tả của Thánh Phaolô: “có một Chúa, một đức tin một Phép Rửa” (Eph 4:5). Từ “Phép Rửa” có nghĩa là “dìm xuống”, và thực ra, Bí Tích này tạo ra một sự dìm xuống thiêng liêng thật sự trong cái chết của Đức Kitô, từ đó chúng ta sống lại với Người như một tạo vật mới (x. Rm 6:4). Đó là việc tẩy rửa tái sinh và soi sáng. Tái sinh bởi vì nó thể hiện việc sinh ra trong nước và Thánh Thần, mà nếu không có nó thì không ai có thể vào được Nước Trời (x. Ga 3:5). Soi sáng bởi vì, qua Bí Tích Rửa Tội, con người được tràn đầy ân sủng của Đức Kitô, Đấng là “ánh sáng thật chiếu soi mọi người” (Galatians 1:9) và xua tan bóng tối tội lỗi. Vì lý do này mà trong nghi thức Rửa Tội, cha mẹ được trao cho một ngọn nến thắp sáng để biểu thị sự soi sáng này. Bí Tích Rửa Tội soi sáng chúng ta từ bên trong với ánh sáng của Chúa Giêsu. Nhờ hồng ân này, người được rửa tội được mời gọi để làm cho chính mình trở thành “ánh sáng” – ánh sáng đức tin mà họ đã nhận được – cho anh em mình, đặc biệt là cho những người đang ngồi trong bóng tối và không thấy một tia sáng nào nơi chân trời cuộc đời của họ.

Chúng ta hãy tự hỏi: Đối với tôi, Bí Tích Rửa Tội là một điều trong quá khứ, bị đóng kín vào một ngày, là ngày mà anh chị em sẽ tìm xem là ngày nào hôm nay, hoặc là một thực tại sống động liên quan đến hiện tại của tôi trong mọi lúc? Anh chị em có cảm thấy mạnh mẽ với sức mạnh mà Đức Kitô ban cho mình qua cái Chết và sự Sống Lại của Người không? Hay anh chị em cảm thấy sa sút, không có sức mạnh? Bí Tích Rửa Tội ban cho chúng ta sức mạnh và ánh sáng. Anh chị em có cảm thấy được soi sáng bằng ánh sáng từ Đức Kitô không? Anh chị em có phải là những người nam nữ của ánh sáng không? Hay anh chị em là những người đen tối không có ánh sáng của Chúa Giêsu? Anh chị em phải nhận lấy ân sủng của Bí Tích Rửa Tội, đó là một món quà, và trở thành ánh sáng cho tất cả mọi ngưởi!

3. Cuối cùng, một đề cập ngắn gọn đến yếu tố thứ ba: “đ tha tội. Trong Bí Tích Rửa Tội mọi tội lỗi đều được tha, Tội Nguyên Tổ và mọi tội lỗi cá nhân, cũng như tất cả các hình phạt do tội mà ra. Bí Tích Rửa Tội mở cửa ra cho một sự mới mẻ thực sự của cuộc sống, là cuộc sống không còn bị đè nén bởi sức nặng của tiêu cực trong quá khứ, nhưng hưởng vẻ đẹp và sự tốt lành của Nước Trời. Đó là một sự can thiệp mạnh mẽ của lòng thương xót của Thiên Chúa vào cuộc đời chúng ta, để cứu chúng ta. Sự can thiệp cứu độ này không cất đi khỏi bản tính con người chúng ta sự yếu đuối của nó – tất cả chúng ta đều yếu đuối và tất cà chúng ta đều là những người tội lỗi -; và nó không cất đi khỏi chúng ta trách nhiệm xin ơn tha thứ mỗi lần chúng ta sai lỗi! Tôi không có thể được rửa tội nhiều lần, nhưng tôi có thể xưng tội và lập lại ân sủng của Bí Tích Rửa Tội. Điều đó giống như tôi được chịu Phép Rửa lần thứ hai. Chúa Giêsu rất tốt lành và Ngươi không bao giờ mệt mỏi vì tha thứ cho chúng ta. Ngay cả khi cánh cửa mà Bí Tích Rửa Tội đã mở ra để vào Hội Thánh bị đóng lại một chút vì những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta, Xưng Tội mở nó ra, bởi vì nó như một Phép Rửa thứ hai tha thứ và soi sáng cho tất cả chúng ta để chúng ta tiến bước với ánh sáng của Chúa. Như vậy chúng ta hãy vui vẻ tiến lên, bởi vì cuộc đời phải được sống bằng niềm vui của Đức Chúa Giêsu Kitô; và đó là một hồng ân của Chúa.

Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ